Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm.
Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, lượng hàng hóa nhập về địa phương cũng nhiều hơn. Tại địa bàn các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Yên Mỹ, Tiên Lữ, ngay từ đầu tháng 12, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, phòng chống các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bước sang tháng 12, hơn 1.263 cơ sở kinh doanh lớn nhỏ trên địa bàn 4 huyện Ân Thi, Phù Cừ, Yên Mỹ, Tiên Lữ bắt đầu nhập thêm nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Qua kiểm tra, nắm bắt thị trường của Đội Quản lý thị trường số 3, hàng hóa tại 4 địa bàn này chủ yếu được nhập từ các đại lý lớn tại các tỉnh lân cận. Các mặt hàng điện tử, điện lạnh, nội thất, xây dựng... được nhập trực tiếp từ nhà sản xuất. Mặc dù đa phần mặt hàng tại đây đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng vẫn không tránh khỏi có tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Ông Phạm Xuân Tạ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, cho biết: Đợt cao điểm triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn được triển khai từ ngày 01/11/2024. Đội đã phân công các kiểm soát viên thị trường theo dõi, giám sát từng khu vực, địa bàn các xã, thị trấn, tiến hành kiểm tra theo đúng kế hoạch và đúng quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, những mặt hàng không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây mất an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Đội đã chủ động các giải pháp nhằm quản lý tốt thị trường hàng hóa trên địa bàn 4 huyện được giao quản lý. Tiến hành khảo sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc quyền quản lý, phổ biến các quy định và yêu cầu ký cam kết chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm...
Ông Hoàng Văn Thắng, chủ hộ kinh doanh Hoàng Văn Thắng (kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm) tại thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, nói: Các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm để đón Tết, đa phần được nhập trực tiếp từ các đại lý cấp 1 của các hãng. Hộ kinh doanh ưu tiên lựa chọn những mặt hàng mới sản xuất, được đánh giá tốt về chất lượng, thương hiệu phổ biến, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Chúng tôi tuân thủ và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh, giữ uy tín đối với khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Doanh nghiệp tư nhân điện lạnh Anh Tú (kinh doanh hàng điện tử) tại xã Trung Hưng, Huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cho biết: Các mặt hàng đều nhập từ các nhà cung cấp sản phẩm điện tử thương hiệu lớn, có uy tín. Cửa hàng luôn đảm bảo thực hiện đầy đủ quy định về giấy phép kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và có bảo hành theo quy định của hãng sản xuất, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Cùng với việc chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm tra, kiểm soát tốt hàng hóa lưu thông trên thị trường, Đội thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành chính về kinh doanh hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, đội đã thực hiện kiểm tra 201 cơ sở trên địa bàn 4 huyện Ân Thi, Phù Cừ, Yên Mỹ và Tiên Lữ, phát hiện và xử lý 88 vụ vi phạm; nộp ngân sách nhà nước 1.058.076.384 đồng, tiêu hủy một số mặt hàng không đảm bảo chất lượng, tổng trị giá 339.966.000 đồng.
Với phương châm nắm chắc địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, Đội luôn chủ động để quản lý tốt thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nhờ đó, trong năm, Đội đã kịp thời phát hiện và xử lý một số trường hợp nhập lậu, buôn bán các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, xử phạt theo quy định, tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
Tết Nguyên đán đang đến gần, Đội Quản lý thị trường số 3 tiếp tục bám sát địa bàn, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhân dân cũng cần lưu ý lựa chọn các mặt hàng chất lượng, rõ nguồn gốc, ưu tiên sử dụng hàng Việt hay các sản phẩm nông sản, thực phẩm sản xuất tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển.