Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhưng không dán tem phụ để bán như hàng hóa “xách tay”

Thời gian gần đây trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường Đội Quản lý thị trường số 1 đã xử lý một số cửa hàng với hành vi vi phạm kinh doanh “hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam”. Qua tìm hiểu nguyên nhân có tình trạng này là do tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam là ưa chuộng sử dụng hàng nội địa - tức hàng hóa được các nước sản xuất để phục vụ thị trường trong nước của các nước này, ngay cả khi giá cả của loại hàng hóa này có cao hơn một chút so với hàng hóa cùng loại nhưng có nhãn phụ ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa, nhà phập khẩu, nhà phân phối, đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm. Nắm bắt được tâm lý này, một số cửa hàng đã yêu cầu các nhà phân phối khi giao hàng cho họ thì không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên bao bì sản phẩm để dễ bán và gia tăng lợi nhuận do bán được với giá cao hơn. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là: mỹ phẩm, sữa bột,...
Khi có sự kiểm tra của Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 chủ cửa hàng đều xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Với hành vi kinh doanh “hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam” cửa hàng sẽ bị xử phạt với mức xử phạt khá nhẹ theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Mức xử phạt như vậy là chưa đủ sức răn đe để các cửa hàng từ bỏ ngay hành vi vi phạm này.
Trong thời gian tới Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục xử phạt nếu phát hiện cơ sở nào có hành vi vi phạm hoặc tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Song song với việc quản lý Nhà nước cũng cần có sự vào cuộc của các cơ quan báo, đài để tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu được cốt lõi của vấn đề và thay đổi suy nghĩ về hàng hóa ngoại nhập