Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Về cơ bản, so với Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 thì Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đối tượng bị xử phạt, việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, bổ sung, làm rõ nghĩa thêm một số thuật ngữ và bổ sung thêm một số quy định chế tài xử phạt điều chỉnh hành vi vi phạm. Đồng thời được đánh giá là mang tình thần tổng kết thực tiễn cao, kịp thời “lấp chỗ trống” của các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, hướng tới làm lành mạnh thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý khi áp dụng Nghị định:
Một trong các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định áp dụng tại Nghị định là biện pháp “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính…”. Tại Khoản 2 Điều 91 quy định “Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định chi tiết về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính buộc phải nộp lại theo quy định tại Điều 37 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điểm e Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này”.
Đối chiếu với các quy định hiện hành hiện nay có Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, xảy ra việc lúng túng áp dụng hay không áp dụng việc tính số lợi bất hợp pháp theo Thông tư số 149/2014/TT-BTC trong trường hợp này./.