Giới thiệu Nghị định mới của Chính phủ: Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi.

Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2021và bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi được quy định tại Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
*) Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2021 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi. Đối với các hành vi vi phạm hành chính khác về chăn nuôi không được quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01tháng 3 năm 2021 thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
*) Về đối tượng bị xử phạt hành chính: Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư;
- Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
- Đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định pháp luật;
- Cá nhân tham gia kinh doanh chăn nuôi.
*) Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
*) Về hình thức xử phạt, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Ngoài ra, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi…
*) Đặc biệt, Nghị định đã quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường đó là:
- Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi.
- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm a khoản này; Và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và m khoản 3 Điều 4 Nghị định.
- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm a khoản này; Và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và m khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính; Và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và m khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
Để hiểu rõ hơn về các vấn đề nêu trên vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2021 /tại đây/14.signed.pdf/