Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản luật quan trọng trong hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với 7 Chương, 80 Điều, Luật năm 2023 đã quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ đối với người tiêu dùng, đồng thời, hoàn thiện hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 ra đời thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, trong đó có bổ sung thêm 1 Chương III về trách nhiệm của tổ chức, các nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, số lượng các điều tăng từ 51 Điều lên 80 Điều, theo đó có một số quy định mới như sau:
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
- Bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.
- Bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch thương mại điện tử, cụ thể: Quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm bổ sung của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.
- Quản lý nhà nước về Bảo vệ người tiêu dùng, Luật 2023 bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện, xã, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng; thực hiện giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dung và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và địa phương.
Chi tiết về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 được đính kèm tại đây./.